Nám da là kết quả của tình trạng tăng hắc tố da Melanin. Những vết thâm sạm này lấy đi sự tự tin của nhiều người vì lo ngại ảnh hưởng đến vẻ ngoài của mình khi đối diện với người khác. Nếu đang gặp trường hợp tương tự, hãy cùng tìm hiểu thêm về tình trạng nám da, nguyên nhân và cách phòng ngừa, điều trị vết nám qua bài viết sau.
Nám da là gì?
Nám da là tình trạng xuất hiện các đốm tròn có màu nâu sạm, nâu vàng hoặc xám xanh trên da, thường ở vùng mặt. Đây là một tình trạng khá phổ biến ở nữ giới, đặc biệt trong độ tuổi sinh sản và phụ nữ sau khi sinh con.
Nám da có thể xuất hiện ở môi, hai bên má, trán, càm, mũi,… Ngoài ra, những vị trí khác trên cơ thể cũng có nguy cơ xuất hiện nám như cổ, ngưc, cánh tay và những vùng da tiếp xúc trực tiếp với mặt trời quá thường xuyên. Nám da được chia làm nhiều loại và loại nám da phổ biến nhất là nám thường.
Nám da được chia thành 3 loại như sau:
- Nám da từng mảng: Loại nám da này thường xuất hiện theo mảng, có màu nâu nhạt đến đậm. Đây là loại nám nhẹ và có thể điều trị dứt điểm, do chúng chỉ tồn tại ngoài da (lớp thượng bì). Ô nhiễm môi trường, nắng nóng, mỹ phẩm kém chất lượng và thuốc ngừa thai là nguyên nhân gây ra loại nám này.
- Nám chân sâu: Xuất hiện dưới dạng những đốm nâu nhỏ trên da. Loại nám này nằm sâu bên dưới lớp hạ bì, do di truyền hoặc thay đổi nội tiết trong giai đoạn thai kỳ gây ra. Nám chân sâu khó điều trị và cần thời gian lâu hơn để chữa dứt điểm.
- Nám da hỗn hợp: Đây là loại nám kết hợp giữa nám da từng mảng và nám da chân sâu. Cũng vì sự kết hợp này mà đây là loại nám khó trị nhất. Việc điều trị loại nám này khá phức tạp và đòi hỏi phải kết hợp cùng nhiều phương pháp trị nám khác.
Nguyên nhân gây nám da
Có nhiều yếu tố gây ra tình trạng nám da, như: rối loạn nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, tiền mãn kinh hoặc do di truyền. Nám da còn xuất hiện khi tình trạng tâm lý chúng ta không ổn: căng thẳng kéo dài, rối loạn lo âu,… Ngoài ra, để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời hoặc các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc cũng là nguyên nhân phổ biến dẫn đến thâm nám trên da.
Cụ thể hơn, nám da xuất hiện do những lý do cụ thể như sau:
- Nội tiết tố thay đổi: Trong giai đoạn mang thai, tiền mãn kinh và mãn kinh 2 loại hormone là Estrogen và Progesterone thường thiếu hụt hoặc suy giảm. Việc này tác động rất nhiều đến sức khỏe của chị em phụ nữ nói chung, trong đó có tình trạng nám da.
- Mỹ phẩm chất lượng kém: Vì giá thành rẻ và những lời “dẫn dụ” bắt tai mà nhiều người chọn sử dụng các sản phẩm làm đẹp trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Từ đó làm tăng nguy cơ gây hại da như nám da, khô da và những tình trạng nghiêm trọng hơn. Bạn cũng cần lưu ý đọc kỹ thành phần khi chọn mua các sản phẩm để tránh các chất có hại như chì, corticoid hay thủy ngân.
- Gặp các vấn đề về tâm lý: Căng thẳng kéo dài, hay lo âu, phiền não,…
- Ánh sáng xanh: Đây là loại ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử như tivi, máy tính xách tay, điện thoại di động… Việc tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị này cũng là một trong những nguyên nhân gây nám da.
- Ánh nắng: Để da tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời mà không che chắn hoặc bôi kem chống nắng sẽ dễ dàng khiến da trở nên thâm nám, lão hóa và ung thư da. Vì khi da tiếp xúc với ánh nắng sẽ hấp thụ UVA, UVB, mà đây là 2 loại tia bức xạ làm tăng lượng hắc tố Melanin. Ngoài ra, cũng cần lưu ý tia UV từ giường tắm nắng, vì nó cũng gây hại cho da bạn không kém gì với tia UV trực tiếp từ mặt trời.
- Thói quen sinh hoạt: chế độ ăn không cung cấp đủ vitamin cho cơ thể, phân chia thời gian làm việc và nghỉ ngơi không hợp lý,…
Quan niệm sai lầm về nám da
Nhiều người vẫn có những quan niệm sai lầm về nám da như:
- Phụ nữ mang thai mới bị nám da: Nám da có thể xảy ra với bất kỳ ai, không phân biệt giới tính, độ tuổi. Nam giới cũng có khả năng bị nám da tương tự như nữ giới.
- Nám da sẽ mờ dần và biến theo thời gian: Nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời, tình trạng nám da sẽ không biến mất mà còn trở nên nghiêm trọng hơn.
- Nám da không thể chữa được: Tình trạng nám da hoàn toàn có thể cải thiện được nếu bạn áp dụng phương pháp điều trị đúng và kịp thời.
Những lưu ý khi nám da trong thai kỳ
Nghiên cứu từ Hiệp hội Bác sĩ Sản – Phụ khoa Hoa Kỳ cho thấy, có khoảng 70% phụ nữ gặp tình trạng nám trong giai đoạn mang thai. Nám da trong quá trình thai kỳ nói riêng và trong hầu hết các trường hợp khác nói chung đều vô hại. Do đó, nếu bạn thấy xuất hiện các đốm nám da trong giai đoạn mang thai, đừng lo lắng vì nám da không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
Sau sinh, nám da có thể sẽ biến mất, tuy nhiên chúng vẫn có khả năng quay lại ở những lần mang thai tiếp theo. Đặc biệt, nám da thường xuất hiện khi bạn mang thai vào mùa hè, vì khi này da phải tiếp xúc với ánh nắng nhiều hơn những thời điểm khác trong năm.
Để điều trị nám da trong quá trình mang thai, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ và hãy ưu tiên lựa chọn các nguyên liệu trị nám từ thiên nhiên thay vì các sản phẩm làm đẹp công nghiệp hay thuốc uống.
Nám da sẽ không còn là “cơn ác mộng” nếu bạn có phương pháp điều trị đúng đắn và phù hợp. Vết nám sẽ bị đẩy lùi khi bạn kết hợp điều trị theo chỉ định của bác sĩ da liễu và chế độ sinh hoạt lành mạnh.